Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: Thị trường bất động sản đang hồi phục
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, tổng giao dịch trên toàn thị trường đã tăng 30% so với quý I năm 2023. Dù thị trường bất động sản đang còn tồn động khó khăn trong 6 tháng cuối năm nhưng cơ hội và triển vọng hồi phục vẫn còn.
Ảnh minh họa
Tại “Hội thảo Bất động sản Tây Nam Bộ năm 2023: Động lực mới – Sức bật mới” do Công ty truyền thông Megalink và Công ty Cát Tường Land phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ truyền thông của Hội truyền thông thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đính, chia sẻ thị trường bất động sản đã có những phục hồi nhất định. Tuy nhiên, sự phục hồi này chủ yếu diễn ra ở các phân khúc sản phẩm dưới 3 tỷ đồng, và đáp ứng nhu cầu ở thực. Nhìn chung, tổng giao dịch trên toàn thị trường đã tăng 30% so với quý I năm 2023.
Ông Đính cũng cho hay, “Dù thị trường bất động sản đang còn tồn động khó khăn trong 6 tháng cuối năm nhưng cơ hội và triển vọng hồi phục vẫn còn. Đặc biệt là những khu vực đang còn nhiều dư địa phát triển, có hạ tầng được chú trọng đầu tư, kinh tế phát triển như Tây Nam Bộ. Và đây sẽ là vùng có dấu hiệu phát triển “nóng” hơn những khu vực khác”.
Đồng quan điểm với ông Đính, thạc sĩ kinh tế công ông Lê Tiến Vũ, chuyên gia kinh tế nhận định: “Tây Nam Bộ sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khí hậu, không chỉ phát huy tiềm năng tăng trưởng nông nghiệp, xuất khẩu thủy hải sản mà còn thu hút mạnh dòng vốn FDI lĩnh vực công nghiệp, năng lượng sạch, logistics… Tây Nam Bộ đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thông qua tối ưu lợi thế vùng; Cơ sở hạ tầng giao thông được tập trung cải thiện. Tất cả tạo nên động lực vô cùng lớn, thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bất động sản”.
Ông Nguyễn Quốc Thảo – Thành viên HĐQT Cát Tường Group chia sẻ “Thách thức lớn nhất khi phát triển các dự án bất động sản tại khu vực Tây Nam Bộ là dung hoà giữa các yếu tố quy hoạch hiện đại – bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên – thích ứng với biến đổi khí hậu”.
PGS. Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, định dạng tương lai của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi đáng sống, an toàn trước những tác động tiêu cực của tự nhiên, đảm bảo an ninh quốc phòng, đa dạng tập quán – văn hóa và hoạt động kinh tế, bảo vệ tốt môi trường và tài nguyên, bền vững về các hệ sinh thái.
Theo các chuyên gia, Đồng bằng sông Cửu Long là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư và du khách – từ góc độ cảnh quan, sinh thái, môi trường, văn hóa xã hội, cơ hội khởi nghiệp và tạo việc làm.
Phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới. Hình thành các hành lang kinh tế, chuỗi đô thị động lực, tập trung dịch và công nghiệp đa dạng, kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng kinh tế biển. Tổ chức phát triển đô thị – nông thôn phù hợp với điều kiện nước biển dâng, nước ngọt và phù sa giảm.
Mộc Miên – Kinh Tế Chứng Khoán