Tiền đề phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ
Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương trong tỉnh.
Sản xuất công nghiệp phát triển sẽ thúc đẩy lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển theo. Ảnh: T.TRÚC
Nhiều chuyển biến tích cực
Công nghiệp đã được tỉnh Hậu Giang quy hoạch là 1 trong 4 trụ cột của tỉnh, chính vì thế thời gian qua huyện Phụng Hiệp tập trung quy hoạch và kêu gọi thành lập Cụm công nghiệp Tân Phước Hưng 50ha và Khu công nghiệp Long Thạnh khoảng 300ha. Huyện cũng chú trọng công tác kêu gọi thu hút 12 dự án khu dân cư – thương mại. Đến nay đã xây dựng hoàn thành 5 dự án với tổng diện tích 25ha, còn lại 7 dự án với diện tích 36ha đang triển khai thực hiện.
Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, cho biết: Định hướng của huyện Phụng Hiệp là phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Do đó thời gian qua huyện đã tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến để vừa phát triển lĩnh vực công nghiệp vừa góp phần tiêu thụ nông sản của địa phương.
Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp và đô thị, thời gian qua huyện Phụng Hiệp còn kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống chợ trên địa bàn để thúc đẩy lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển. Huyện Phụng Hiệp hiện có 15 khu chợ, năm qua từ các nguồn vốn huyện đã huy động hơn 3 tỉ đồng để nâng cấp các chợ trên địa bàn. Tính đến nay huyện có 1 chợ loại II, 13 chợ loại III và 3 chợ do tư nhân khai thác, quản lý.
Ông Nguyễn Văn Dần, người dân xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chợ bây giờ được đầu tư ngày càng khang trang, địa phương nào cũng có. Hàng hóa thì dồi dào, người dân cũng thuận lợi hơn trong việc mua bán. Nếu trước đây phải đi các chợ lớn như Cần Thơ, Vị Thanh thì hiện nay các chợ trên địa bàn huyện hầu như đều đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân”.
Đưa vào khai thác cuối năm 2021 theo hình thức doanh nghiệp đầu tư, Khu dân cư – thương mại Hồng Phát, ở thị trấn Kinh Cùng có diện tích 5,2ha, gồm khu dân cư 265 nền và trung tâm thương mại gần 4.000m2
đang dần trở thành trung tâm giao thương của khu vực gồm các xã như: Tân Bình, Hòa An, Bình Thành, Hòa Mỹ và thị trấn Kinh Cùng. Để đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân, năm qua ban quản lý dự án tiếp tục mở rộng thêm khu vực mua bán với các lô sạp theo mặt hàng đặc trưng của vùng như: Chợ cá đồng, khu vực bán rau vườn. Ngoài ra, thị trấn còn kêu gọi các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đến nay thị trấn có 776 cơ sở kinh doanh, tăng 109 cơ sở so với năm 2021. Nhờ đó doanh thu của thị trấn năm qua tiếp tục tăng gần 20% so với năm trước.
Ông Đoàn Văn Lợi, Chủ tịch UBND thị trấn Kinh Cùng, cho biết: Khi trung tâm thương mại đưa vào hoạt động không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua bán mà còn làm thay đổi bộ mặt thị trấn. Năm qua tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của thị trấn tăng gần 15% so với năm trước, từ đó thúc đẩy cho công tác thu ngân sách trên địa bàn thị trấn đạt kết quả cao.
Theo thống kê, năm qua toàn huyện Phụng Hiệp phát triển mới được hơn 700 hộ kinh doanh trên các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ, nâng tổng số toàn huyện hiện có 9.810 hộ kinh doanh, trong đó có 395 doanh nghiệp. Hiệu quả của việc mở rộng quy mô sản xuất, đưa giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện năm qua đạt 1.167 tỉ đồng, tăng 21% so với năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 6.305 tỉ đồng, so với năm 2021 tăng 16,5%, đạt 112,47% kế hoạch.
Ông Huỳnh Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Năm 2022, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã phục hồi sản xuất, từ đó thúc đẩy cho các chỉ tiêu về giá trị sản xuất đều tăng vượt bậc so với năm 2021. Trong lĩnh vực kêu gọi đầu tư thì huyện cũng đã kêu gọi phát triển cụm công nghiệp của huyện tại xã Tân Phước Hưng. Đồng thời hỗ trợ cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện đăng ký và mở rộng quy mô sản xuất.
Ngành chức năng thành phố Vị Thanh cho biết, trên địa bàn thành phố có 653 cơ sở, doanh nghiệp (tăng 23 cơ sở, doanh nghiệp so với năm 2021) đang hoạt động thuộc lĩnh vực sản xuất và chế biến. Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoạt động ổn định trở lại nên giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng so với cùng kỳ, từ đó giá trị sản xuất ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp năm 2022 đạt 1.020 tỉ đồng, đạt 104,08% kế hoạch và tăng 18,88% so cùng kỳ. Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp thành phố có 21 doanh nghiệp đang hoạt động với diện tích 341.243m2, vốn đầu tư 1.698,56 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 6.001 lao động địa phương và các vùng lân cận.
Khu đô thị Cát Tường Western Pearl tại TP.Vị Thanh, Hậu giang thu hút khách hàng quan tâm
Phát huy lợi thế
Lợi thế của huyện Phụng Hiệp trong giai đoạn 2022-2025 là có 2 tuyến cao tốc đi ngang gồm: dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau, đi qua 5 xã, thị trấn của huyện Phụng Hiệp là xã Long Thạnh, Thạnh Hòa, Bình Thành, Tân Bình và thị trấn Kinh Cùng với tổng chiều dài 17,5km. Và tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đi qua 5 xã, thị trấn của huyện là xã Tân Bình, Bình Thành, Hòa Mỹ, Hiệp Hưng và thị trấn Búng Tàu với tổng chiều dài 25km. Ngoài hai điểm giao nhau của hai cao tốc tại xã Tân Bình và xã Bình Thành thì hiện nay UBND tỉnh Hậu Giang đang đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh thêm một điểm đấu nối của tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng với Tỉnh lộ 927 thuộc khu vực xã Hiệp Hưng để tạo điều kiện cho huyện Phụng Hiệp phát triển.
Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết: Trong thời gian tới, huyện Phụng Hiệp sẽ có 5 tuyến đường trọng điểm đi ngang, bao gồm 2 tuyến cao tốc và 3 tuyến tỉnh lộ được nâng cấp và xây dựng mới. Do đó, đây là cơ hội không thể tốt hơn cho huyện kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ. Song song đó, tỉnh cũng đã quy hoạch cho huyện Phụng Hiệp 3 cụm công nghiệp dọc theo hai tuyến cao tốc và các tuyến tỉnh lộ này, giúp cho huyện chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp và các ngành nghề khác. Qua đây tạo điều kiện cho huyện thực hiện hiệu quả Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và và Kế hoạch 213 của UBND tỉnh Hậu Giang. Niềm tin của huyện đến năm 2025 cuộc sống người dân sẽ phát triển vượt bậc so với thời điểm hiện tại.
Nhờ đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ phát triển. Kinh tế của huyện Phụng Hiệp năm 2022 có tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, giảm tỷ trọng ở khu vực I, tăng tỷ trọng ở khu vực II và III. Phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có hơn 1.000 cơ sở và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 2,84%/năm, quy mô ngành công nghiệp đạt 2.568 tỉ đồng.
Còn thành phố Vị Thanh tới đây sẽ tiếp tục định hướng phát triển thương mại, dịch vụ thành phố trên cơ sở mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa các loại hình kinh doanh; kêu gọi đầu tư hệ thống siêu thị mini, các cửa hàng tiện lợi…; đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất – cung ứng – phân phối – tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân. Đồng thời mở rộng, nâng cấp các chợ (chợ Vị Thanh, chợ Phường IV, chợ Vị Tân và Hỏa Lựu), đặc biệt xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động phần mở rộng chợ Phường VII. Triển khai thực hiện Đề án thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Vị Thanh. Đồng thời, triển khai xây dựng các dự án khu dân cư thương mại trên địa bàn sớm hoàn thiện các dự án đưa vào sử dụng nhằm thu hút dân cư từ các địa phương khác đến sinh sống và kinh doanh góp phần tăng giá trị sản xuất và phát triển thương mại, dịch vụ.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, sẽ hoàn thành công tác thành lập mới 5 cụm công nghiệp và mở rộng 2 cụm công nghiệp theo Chương trình phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025. Tiến hành công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tạo đất sạch thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực và tiềm lực tài chính tham gia thực hiện các dự án trên địa bàn. Chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, có biện pháp dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đảm bảo ổn định giá đầu vào cho sản suất kinh doanh, nhất là các mặt hàng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tăng cường kêu gọi xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại, trong đó đặc biệt là kêu gọi đầu tư vào hệ thống cửa hàng tiện lợi, tiện ích, hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh tại các địa bàn vùng sâu nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân…
Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy 2 khu công nghiệp của tỉnh khoảng 80%, giải quyết việc làm cho hơn 26.500 lao động. Theo Phương án phát triển cụm công nghiệp đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 10 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 569,05ha. Hiện có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động, diện tích 298,05ha; đến nay thu hút được hơn 50 dự án, tổng số vốn đăng ký của các dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp là 17.390 tỉ đồng; thu hút được 8.465 lao động, tỷ lệ lấp đầy 74,38%.
T.Trúc – D.Khánh – Báo Hậu Giang