Chủ tịch Quốc hội đánh giá Hậu Giang là “điểm sáng” trong phát triển kinh tế – xã hội
Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã quán triệt tinh thần, xuất phát điểm thấp, tỉnh nhỏ thì phải nuôi khát vọng lớn. Từ đó, đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp đưa Hậu Giang vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên, đạt những thành quả tích cực ở nhiều lĩnh vực.
Ngày 10/10, tiếp tục chuyến công tác tại ĐBSCL, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng đoàn công tác của Trung ương đến làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, sau gần 20 năm chia tách, hiện Hậu Giang đang là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của cả nước, luôn tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của Hậu Giang đạt 13,30%, đứng đầu cả nước. Nếu thời điểm chia tách tỉnh (năm 2004), quy mô kinh tế của Hậu Giang khoảng 4.700 tỉ đồng, thì đến năm 2022 đã tăng lên hơn 48.000 tỉ đồng. Thu nội địa tăng bình quân 1.000 tỉ đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, bình quân tăng hơn 15%/năm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hậu Giang khẩn trương, hoàn thành việc trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, từng bước khẳng định vai trò tạo động lực phát triển cho kinh tế tỉnh. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện đáng kể, cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục được chú trọng, quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới thực chất, đạt kết quả tích cực.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, dân và quân tỉnh Hậu Giang đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hậu Giang khẩn trương, hoàn thành việc trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, coi trọng phát triển cả khu công nghiệp và cụm công nghiệp, trong điều kiện quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp không còn nhiều. Cạnh đó, phát huy lợi thế, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; liên kết để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp chung của vùng. Nông nghiệp phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao phương châm của tỉnh: “Một tâm, Hai tuyến, Ba thành, Bốn trụ, Năm trọng tâm”. Cụ thể, một tâm là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn. Hai tuyến là tập trung khai thác phát triển theo hai tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ – Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu.
Ba thành là ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị, gồm TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. Bốn trụ là phát triển bốn trụ cột gồm: công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng. Năm trọng tâm là hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính – ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, chú trọng hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Bên cạnh những kết quả đạt được của Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn mà Hậu Giang cần nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện và tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là tăng trưởng kinh tế cao, trên nền quy mô kinh tế của tỉnh còn thấp, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực, tăng trưởng chưa bền vững; thu nhập bình quân đầu người còn khiêm tốn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo mặc dù giảm mạnh nhưng còn cao so với khu vực và cả nước.
Về các kiến nghị của tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có ý kiến trao đổi. Từ đó, Văn phòng Quốc hội tổng hợp kiến nghị để gửi tới các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ đôn đốc và giám sát quá trình triển khai thực hiện. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Phi Thuyền – Báo Pháp Luật